Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

TIỀM NĂNG DU LỊCH BẮC SƠN

Bắc Sơn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là “cái nôi” của cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ngày 27/9/1940 đã được ghi đậm nét vào trang sử đấu tranh oanh liệt để giành độc lập của dân tộc. Nhiều địa danh, di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Với vốn di sản quý giá đó, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Bắc Sơn có cơ hội tốt để phát triển ngành du lịch.

Nằm ở phía Tây của tỉnh, có hệ thống đường giao thông thuận lợi, huyện Bắc Sơn có nguồn tài nguyên phong phú, đó là những dãy núi đá hùng vĩ tạo nên những cảnh quan núi rừng thơ mộng. Những khu rừng đặc dụng Lân Cà, Mỏ Rẹ đã được khoanh nuôi bảo vệ; những cảnh đẹp Hồ Tam Hoa, Hồ Vũ Lăng, Hồ Pác Mỏ được nhiều người biết đến. Các điểm danh lam thắng cảnh, các hang động (Kasto) như: hang Pác Mỏ, Hang Cốc Lỵ, Hang Lân Pán, Hang Nàng Tiên... Trên địa bàn huyện có 13 điểm di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh và trên 20 điểm di tích đang được ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ xếp hạng. Những điểm di tích cách mạng điển hình như: Thôn Mỏ Tất, Đồn Mỏ Nhài, Đèo Tam Canh, Khuổi Nọi..đã từng vang vọng một thời được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Những làng cổ Pác Mỏ (xã Hữu Vĩnh), văn hóa vật thể (kiến trúc đình làng) như Đình Nông Lục; kiến trúc nhà sàn của người Tày... vẫn tồn tại và giữ nguyên giá trị văn hóa từ nhiều thế hệ để lại. Đối với văn hóa phi vật thể như: lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn, xã Vạn Thủy, kho tàng văn hóa dân gian (hát sli, hát lượn...), những bộ trang phục áo chàm của dân tộc Tày và dân tộc Nùng vẫn được duy trì và kế thừa đến ngày nay. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đó, cộng với những nét đẹp sinh hoạt trong đời sống xã hội đã trở thành một kho tàng văn hóa được nhân dân tôn vinh và bảo tồn. Kho tàng văn hóa cũng như nguồn tài nguyên quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng đã trở thành tiềm năng thế mạnh cho huyện phát triển kinh tế ngành du lịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét